Thứ Tư, 9 tháng 8, 2017

CÁCH KHÁM BỤNG NGOẠI KHOA (đầy đủ, chi tiết)


CÁCH KHÁM BỤNG NGOẠI KHOA
NỘI DUNG
1. Phân khu ổ bụng và các tạng tương ứng
* Các đường kẻ để phân vùng:
- Hai đường thẳng ngang:
+ Đường ngang phía trên: là đường kẻ nối 2 đầu trước của 2 xương sườn X.
+ Đường ngang phía dưới: là đường nối 2 gai chậu trước trên.
- Hai đường thẳng đứng song song: từ 2 bên gai mu, ta kẻ hai đường thẳng song song đi lên điểm giữa xương đòn.

* Các vùng trên thành bụng và các tạng tương ứng:
1. Vùng trên rốn (vùng thượng vị): thùy trái gan, một phần mặt trước dạ dày, tụy, tá tràng.
2. Vùng hạ sườn phải: thùy phải gan, túi mật, góc đại tràng phải, tuyến thượng thận phải, và cực trên thận phải.
3. Vùng hạ sườn trái: lách , dạ dày, góc đại tràng trái, đuôi tụy, tuyến thượng thận trái và cực trên thận trái.
4. Vùng mạn sườn phải: đại tràng lên, ruột non, thận phải.
5. Vùng mạn sườn trái: đại tràng xuống, ruột non, thận trái
6. Vùng hố chậu phải: manh tràng, ruột thừa, ruột non, buồng trứng phải (nữ)
7. Vùng hố chậu trái: đại tràng sigma, ruột non, buồng trứng trái (nữ)
8. Vùng hạ vị: bàng quang, ruột non, tử cung (nữ)
9. Vùng quanh rốn: đại tràng ngang, ruột non, mạc treo ruột, hai niệu quản dọc hai bên cột sống, động mạch chủ bụng và tĩnh mạch chủ bụng.

 2. Cách khám bụng ngoại khoa
2.1. Tư thế khám
* Tư thế bệnh nhân
- Nằm ngửa trên bàn khám hoặc giường khám.
- Hai tay xuôi dọc 2 bên thân mình
- Hai chân chống lên làm trùng các cơ thành bụng
* Tư thế thầy thuốc
- Thầy thuốc ngồi ghế hoặc ngồi bên cạnh bệnh nhân (bên phải bệnh nhân)
- Chú ý: phòng khám bệnh phải kín đáo, đủ ánh sáng, chỉ có bệnh nhân và người khám mặc áo bluse. Trong trường hợp bệnh nhân là phụ nữ trẻ, người khám là nam giới thì bắt buộc phải có từ 2 người trở lên.

2.2. Khám triệu chứng toàn thân
- Tình trạng tinh thần: tỉnh táo, kích thích hay hôn mê…
- Thể trạng: gầy béo hay trung bình
- Da niêm mạc: hồng, hồng nhợt, nhợt, xanh…
- Tổ chức dưới da: có phù, có xuất huyết không?
- Hạch ngoại vi, tuyến giáp: có to không, có sờ thấy không?
- Dấu hiệu sinh tồn: thân nhiệt, mạch, huyết áp, nhịp thở?
2.3. Khám triệu chứng cơ năng
Khi hỏi bệnh nhân cần thu thập những thông tin sau:
* Lý do vào viện
- Đây là nguyên nhân làm cho người bệnh phải đi khám. lý do vào viện chính là dấu hiệu chủ đạo để khai thác trong quá trình hỏi bệnh. Ví dụ bệnh nhân vào viện vì đau bụng thì việc khai thác dấu hiệu xung quanh đau bụng là quan trọng nhất, đó sẽ là phần chính trong khai thác bệnh sử.
- Cần nhớ lý do đi khám là của chính người bệnh chứ không phải của người khác chuyển đến.
* Bệnh sử
- Bệnh sử là khai thác các thông tin xung quanh lý do vào viện. Từ dấu hiệu đầu tiên làm cho người bệnh đi khám sẽ hỏi hay khai thác những dấu hiệu khác liên quan. Có khi chính người bệnh tự nói ra nhưng có khi phải do người khám hỏi, trong trường hợp này không được gợi ý để người bệnh nói theo điều mình muốn sẽ dẫn đến sai chẩn đoán.
+ Đầu tiên ta phải hỏi đến hoàn cảnh xuất hiện lý do vào viện?
+ Vị trí xuất hiện của lý do vào viện?
+ Sau đó, bắt đầu hỏi đến thời gian xuất hiện của lý do vào viện?
+ Tiếp theo thời gian xuất hiện dấu hiệu đầu tiên ta cần hỏi đến cường độ của dấu hiệu này?
+ Cùng với hỏi cường độ, ta cần hỏi đến đặc tính của dấu hiệu này: có cơn hay không, có liên tục hay không, có lan đi theo hướng nào?
- Sau khi đã hỏi đủ kỹ các dấu hiệu này, ta mới hỏi đến các dấu hiệu khác xuất hiện kèm theo dấu hiệu này.
- Điều quan trọng trong khi hỏi bệnh phải kiên nhẫn, không gợi ý cho bệnh nhân kể theo định hướng của người thầy thuốc, nên đặt các câu hỏi mang tính lựa chọn và nếu thấy gì nghi ngờ cần hỏi đi hỏi lại để tránh những tưởng tượng của bệnh nhân.
* Tiền sử
- Khai thác tiền sử có một giá trị quan trọng không chỉ trong chẩn đoán mà còn góp phần cho điều trị.
- Trong tiền sử, khai thác những bệnh lý trước đây liên quan đến xuất hiện bệnh lần này. Ví dụ như một người có tiền sử táo bón lâu ngày thì là điều kiện hết sức thuận lợi để gây nên bệnh trĩ. Đó là khai thác tiền sử nhằm hỗ trợ cho chẩn đoán.
- Khai thác trong tiền sử bệnh nhân có bệnh gì kèm theo hay không, như cao huyết áp, đái tháo đường,bệnh tim mạch.. hoặc những tiền sử dị ứng như dị ứng với một số loại thuốc nào để trong quá trình gây mê và điều trị ta có kế hoạch trước, tránh những tai biến đáng tiếc xảy ra. Đó là khai thác tiền sử để phục vụ cho điều trị.

2.4. Khám triệu chứng thực thể
2.4.1. Nhìn
- Bụng có di động theo nhịp thở hay không?
  Nếu bụng không di động theo nhịp thở, ta có thể phát hiện các dấu hiệu co cứng thành bụng qua quan sát: các múi cơ thẳng của bụng nổi rõ liên tục như người lên gân bụng.
- Có vết sẹo mổ cũ trên thành bụng không? Vết sẹo mổ cũ dễ là một trong những nguyên nhân gây tắc ruột sau mổ.
- Bụng chướng hay lõm?
- Vùng bẹn bìu có chỗ nào phồng lên không? (thoát vị bẹn, thoát vị đùi..)
- Trong quan sát, ta cũng cần nhìn đến các chất thải của bệnh nhân như chất nôn, nước tiểu, phân… để có thể hướng tới chẩn đoán ví dụ như nôn ra thức ăn, dịch hay máu..
2.4.2. Sờ
- Nguyên tắc khám bụng
- Khám từ vùng không đau đến vùng đau để so sánh tình trạng cơ thành bụng ở các vùng bụng đối diện.
- Khám từ nông đến sâu: Người khám cần áp nhẹ toàn bộ bàn tay của mình lên bụng bệnh nhân, mềm mại ấn từ từ, không khám bằng các đầu ngón tay vì các đầu ngón tay sẽ kích thích thành bụng tạo ra những đáp ứng của thành bụng do phản xạ.


* Một số điểm đau ngoại khoa:
1. Điểm thượng vị: nằm ở giữa đường nối từ mũi ức tới rốn.
2. Điểm túi mật: là đường phân giác góc vuông tại rốn gặp bờ sườn phải.
3. Điểm môn vị: điểm giữa của đường kẻ vuôn góc từ điểm túi mật, vuông góc với đường trắng giữa trên rốn.
4. Điểm tá tràng: điểm giữa của đường kẻ từ điểm túi mật đến rốn.
5. Điểm niệu quản trên: là điểm gặp nhau của đường vuông góc qua rốn gặp bờ ngoài cơ thẳng to, đau trong sỏi niệu quản.
6. Điểm niệu quản giữa: là điểm 1/3 ngoài, đường nối 2 gai chậu trước trên.
7. Điểm niệu quản dưới: nằm trong thành bàng quang, chỗ niệu quản đổ vào bàng quang. Không sờ được trên thành bụng phải thăm trực tràng hoặc âm đạo.
8. Điểm buồng trứng là điểm giữa của đường nối từ rốn đến điểm giữa cung đùi.
9. Điểm Macburney ( điểm ruột thừa): là điểm giữa của đường nối từ rốn đến gai chậu trước trên bên phải.


* Một số dấu hiệu ngoại khoa:
- Phản ứng thành bụng: là tình trạng cơ thành bụng co lại khi ta ấn nhẹ bàn tay vào bụng bệnh nhân từ nông xuống sâu.
=> Nguyên nhân phản ứng thành bụng là: một phản xạ của thành bụng nhằm bảo vệ các tạng bên trong khi bị tổn thương do sang chấn hay viêm nhiễm.
- Co cứng thành bụng: là tình trạng thành bụng phải co cứng liên tục và ngoài ý muốn người bệnh.
- Phát hiện dấu hiệu này chỉ cần áp nhẹ bàn tay lên bụng bệnh nhân để cảm nhận tình trạng co cứng liên tục của các khối cơ thành bụng, bụng không di động theo nhịp thở, cơ thẳng to nổi lên dưới da bụng rõ rệt.
- Cảm ứng phúc mạc: khi ấn tay vào một điểm trên thành bụng rồi bỏ tay đột ngột bệnh nhân thấy đau chói trong sâu hoặc thấy đau khắp bụng.
Có giá trị chẩn đoán xác định tình trạng trong ổ phúc mạc có dịch viêm hoặc máu.
- Dấu hiệu chạm thận: bệnh nhân nằm ngửa gối gấp, một bàn tay đặt ở mạn sườn sau lưng, bàn tay kia phía trên bụng. Tay trên ấn xuống tay dưới có cảm giác có một khối gì chạm vào tay.
- Dấu hiệu bập bềnh thận: bệnh nhân nằm ngửa gối gấp, một bàn tay đặt ở mạn sườn sau lưng, bà tay kia phía trên bụng. Tay phía trên ấn nhẹ xuống rồi để yên tại đó, trong khi đó tay phía dưới hất mạnh lên từng đợt phải làm nhanh và nhịp nhàng. Nếu thận to tay phía trên có cảm giác có một khối chạm vào tay. Dấu hiệu bập bềnh thận (+)./
2.4.3. Gõ
- Áp cả lòng bàn tay trái lên bụng bệnh nhân, các ngón tay hơi doãng xa nhau.
Ngón giữa bên phải cong lạinhư hình cái móc, gõ đầu ngón tay.
- Bình thường gõ vang trên các tạng rỗng, gõ đục trên các tạng đặc.
2.4.4. Nghe
Nghe bụng nhằm phát hiện tiếng nhu động ruột để phân biệtgiữa tắc ruột cơ giới(có và tăng nhu động) với tắc ruột cơ năng do liệy ruột(mất nhu động ruột).
2.4.5. Thăm trực tràng và âm đạo
- Thăm trực tràng hoặc thăm âm đạo là những động tác bắt buộc trong khám bụng cấp cứu. Thăm tuyến tiền liệt có to không?
Thăm có khối u trực tràng: ung thư trực tràng…
-Túi cùng douglas phồng và đau: gặp trong viêm phúc mạc, chảy máu trong.
2.4.6. Ở tuyến trên: có thể chọc dò ổ bụng để chuẩn đoán xác định./


Không có nhận xét nào: