Thứ Năm, 17 tháng 8, 2017

BÀI GIẢNG BỆNH THỦY ĐẬU (Đặc điểm dịch tễ, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị) chi tiết

BỆNH THỦY ĐẬU
NỘI DUNG
1.Đại cương
1.1. Khái niệm
thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm rất hay lây, do virus Varicella Zoster gây ra. Bệnh có khả năng gây thành đại dịch. Biểu hiện lâm sàng chính của bệnh là phát ban dạng bóng nước ở da và niêm mạc. Đa số trường hợp bệnh diễn biến lành tính, đôi khi có thể gây tử vong do các biến chứng trầm trọng như viêm não hậu thủy đậu, hội chứng Reye…
1.2. Tác nhân gây bệnh
- Tác nhân gây bệnh là virus Varicella Zoster, trên lâm sàng virus này có thể gây ra hai bệnh cảnh lâm sàng khác nhau là bệnh thủy đậu và bệnh zona thần kinh.
- Người có miễn dịch với bệnh thủy đậu có khả năng chống lại bệnh zona và ngược lại./
1.3. Đặc điểm dịch tễ
- Nguồn bệnh: là người bệnh thủy đậu, bệnh lây từ giai đoạn trước phát ban đến khi mụn nước đóng vẩy 7- 8 ngày.
- Đường lây: chủ yếu theo đường hô hấp qua những giọt nước bọt bắn ra từ người bệnh khi ho, hắt hơi. một số ít lây trực tiếp do tiếp xúc với mụn nước.
- Cơ thể cảm thụ:
   + Bệnh xảy ra nhiều ở những nơi đông đúc (nhà trẻ, mẫu giáo)..
   + Khoảng 90% gặp ở trẻ <10 tuổi, bệnh hay gặp từ tháng 1- 5 trong năm.
   + Sau mắc bệnh để lại miễn dịch bền vững.
2. Triệu chứng
2.1. triệu chứng lâm sàng
2.1.1. Thời kỳ ủ bệnh: kéo dài 14-15 ngày, không có biểu hiện lâm sàng
2.1.2. Thời kỳ khởi phát:
  Thời kỳ này kéo dài 1-2 ngày, triệu chứng không rõ ràng, dễ bỏ qua.
- sốt nhẹ, ớn lạnh, sốt cao thường gặp ở người lớn hoặc suy giảm miễn dịch.
- mệt mỏi, chán ăn, nhức đầu, đôi khi đau bụng nhẹ.
- một số người bệnh có phát ban kèm theo ngứa.
2.1.3. Thời kỳ toàn phát (nốt thủy đậu  mọc):
- nốt thủy đậu mọc với đặc điểm:
+ lúc đầu làm những ban màu hồng, vài giờ sau thành nốt phỏng nước tròn, trong, rất nông như đặt trên da, hơi lõm giữa, đường kính khoảng 5mm. sau 24h ngả màu đục, vài ngày sau đóng vẩy rồi bong vẩy, không để lại sẹo trừ trường hợp gãi loét hoặc bị bội nhiễm.
+ vị trí: mọc rải rác khắp người, tập trung nhiều ở vùng đầu mặt cổ. một số trường hợp phỏng nước có thể mọc ở niêm mạc miệng, mắt, đường tiêu hóa.
+ nốt phỏng nước mọc thành nhiều đợt khác nhau trên một vùng da, do đó có thể thấy phỏng nước có nhiều lứa tuổi khác nhau trên cùng 1 diện tích da tại 1 thời điểm: dạng phát ban, phỏng nước trong, phỏng nước đục, đóng vẩy..
- người bệnh sốt nhẹ hoặc không sốt.
- người bệnh có thể ngứa, đôi khi có hạch ngoại biên to.
2.1.4. Thời kỳ hồi phục
     Sau khoảng 1 tuần, bệnh giảm dần, các nốt đậu bong vẩy, không để lại sẹo, da vùng phỏng nước có thể sạm 1 thời gian.
2.2. Cận lâm sàng
- Công thức máu: số lượng bạch cầu bình thường hoặc tăng nhẹ; trường hợp có bội nhiễm thì số lượng bạch cầu tăng cao và thành phần bạch cầu hạt trung tính tăng.
- huyết thanh chẩn đoán (test Elisa), phân lập virus tìm AND của Varicella Zoster bằng kỹ thuật PCR ( chỉ làm được ở các tuyến có phương tiện kỹ thuật).
3. Biến chứng
- Bội nhiễm: là biến chứng hay gặp nhất của bệnh thủy đậu. Biến chứng xảy ra do người bệnh gãi làm phỏng nước vỡ. Vi khuẩn gây bội nhiễm thường gặp là tụ cầu và liên cầu.
- Viêm phổi thủy đậu: là biến chứng hay gặp ở bệnh nhân người lớn và người suy giảm miễn dịch bị thủy đậu, trẻ em ít gặp hơn. Ở người lớn khỏe mạnh tỷ lệ gặp khoảng 0.3 – 1.8%. biến chứng viêm phổi thường gặp ở ngày thứ 3-5 của bệnh.
- biến chứng thần kinh: viêm não, viêm màng não, viêm tủy cắt ngang..
- Viêm gan do virus thủy đậu.
- Dị tật bẩm sinh: gặp ở bà mẹ có thai 3 tháng cuối, trẻ sinh ra có thể bị sẹo da, teo cơ, chậm phát triển trí tuệ…
4. chẩn đoán
4.1. Chẩn đoán xác định
   Chẩn đoán xác định dựa vào các đặc điểm dịch tễ, lâm sàng và cận lâm sàng.
4.2. Chẩn đoán phân biệt
- Chốc: thường do liên cầu khuẩn tan huyết β nhóm A. Bệnh thường xuất hiện trên nền da sau khi bị trầy xước, bị tổn thương như ghẻ hoặc chàm. Phỏng nước lúc đầu trong, sau một thời gian ngắn hóa mủ, vỡ và đóng vẩy.
- Mụn nước do virus Herpes simplex.
 5. điều trị
5.1. Điều trị triệu chứng:
- Chống ngứa: bằng thuốc bôi tại chỗ có phỏng nước hoặc bằng các thuốc kháng Histamin (như: Chlorpheniramin, Dimedrol..). Mặc quần áo bằng vải mềm kín.
- Hạ sốt, giảm đau bằng paracetamol, không sử dụng aspirin vì có thể gây hội chứng Reye ở những bệnh nhân thủy đậu hoặc zona.
5.2. Phòng và điều trị bội nhiễm:
- Vệ sinh thân thể, thay quần áo hàng ngày, cắt ngắn và vệ sinh móng tay, không gãi làm phỏng nước bị vỡ.
- Dùng kháng sinh khi có dấu hiệu bội nhiễm.
5.3. Điều trị biến chứng: điều trị các biến chứng nếu có: hội chứng Reye, viêm phổi thủy đậu, viêm não thủy đậu..
5.4. Thuốc chống virus:
- Có tác dụng rút ngắn thời gian của bệnh, phòng biến chứng ( phải dùng sớm trong 24h mới có kết quả).
- Acyclovir 10-20mg/kg/lần x 4 lần/ngày x 5-7 ngày ( không dùng quá 800mg/lần).
6. phòng bệnh
- Cách ly người bệnh, tránh để người lành tiếp xúc với nốt phỏng của bệnh nhân.
- Tẩy uế, vệ sinh buồng bệnh hàng ngày.

- Tiêm vacxin phòng bệnh cho trẻ chưa bị thủy đậu./

Không có nhận xét nào: