Thứ Tư, 16 tháng 8, 2017

BÀI GIẢNG BONG GÂN- TRẬT KHỚP (đặc điểm, triệu chứng, chẩn đoán và xử trí) chi tiết

BONG GÂN – TRẬT KHỚP
NỘI DUNG
I. BONG GÂN
   Bong gân là sự tổn thương các dây chằng quanh khớp do chấn thương mạnh gây ra. Khi chấn thương đột ngột làm cho dây chằng bị kéo dài ra hoặc đứt nhưng không gây di lệch vĩnh viễn các mặt khớp.
- Các vị trí hay bị bong gân là: cổ tay, cổ chân, đầu gối, bàn chân…
- Tuổi hay gặp: thanh thiếu niên, các vận động viên thể dục thể thao.
1. Phân loại
- Bong gân độ 1: dây chằng chỉ bị giãn dài ra một ít
- Bong gân độ 2: dây chằng bị đứt 1 phần
- Bong gân độ 3: dây chằng bị đứt hoàn toàn
Bong gân độ 1,2 khớp vẫn còn sự vững vàng. Còn độ 3 thì khớp bị yếu đi.
2. Sinh lý bệnh
- Giai đoạn sưng nề: xuất hiện 72h đầu sau chấn thương
- Giai đoạn phục hồi: các nguyên bào sợi được huy động tới vùng bong gân để tạo các sợi collagen non, chưa được định hướng.
- Giai đoạn tạo hình: là giai đoạn quan trọng nhất, các sợi collagen được định hướng song song với phương của lực kéo căng dây chằng. Sau 6 tuần các sợi collagen non đủ sức chịu đựng các lực kéo căng sinh lý song phải mất 12- 18 tháng để các sợi dây chằng có thể hoạt động bình thường.
3. Triệu chứng
- Đau: đau tự nhiên theo 3 thì
  + đau chói như điện giật tức thì ngay sau chấn thương
  + tê vùng da nơi bong gân không cảm thấy đau một thời gian.
  + đau nhức nhối trở lại dù khớp nằm yên.
- Ấn vào vùng bong gân đau chói
- Kéo căng khớp phía bong gân đau chói.
- X-Quang:
  + có thể thấy hình ảnh bong một mảnh xương nơi dây chằng bám.
  + bong độ III: khe khớp không đều, khớp bị toác rộng hơn so với bên lành.
4. Tiến triển
- Nhẹ: điều trị đúng bệnh sẽ khỏi sau 1- 2 tuần.
- Nặng: xử lý không tốt gây biến chứng teo gân, teo cơ, xương mất chất vôi, bong gân mạn tính.
5. Xử trí: khám cẩn thận để phân loại xem bong gân ở mức độ nhẹ hay nặng.
5.1. Tại y tế cơ sở
5.1.1. Bong gân nhẹ
- Có thể điều trị bằng phong bế novocain 1% quanh vị trí tổn thương
- Bất động bằng băng cuộn
- Cho tập vận động nhẹ nhàng
- Chạy vật lý trị liệu nếu có
5.1.2. bong gân nặng
   Phong bế quanh nơi tổn thương và bất động bằng băng cuộn. Giải thích cho bệnh nhân chuyển lên tuyến trên bó bột.
5.2. Cụ thể
5.2.1. Bong gân độ I và II:
* Giai đoạn sưng nề cấp tính:
- Băng ép vùng bong gân bằng băng chun, giữ ít nhất 48h
- Chườm lạnh ngoài băng chun bằng nước đá 20-30phút/ lần trong 4h đầu.
- Kê cao chi, bất động.
- Dùng thuốc chống phù nề
- Không được xoa bóp và chườm nóng, không được tiêm thuốc vào vùng bong gân.
* Giai đoạn phục hồi:
- Bong gân độ I: có thể cho vận động sớm khi hết đau, rồi dần dần cho lao động lại bình thường.
- Bong gân độ II: bất động chắc khớp bằng bó bột, thời gian bất động khoảng 4-6 tuần, cho tập vận động, không được gây đau đớn cho bệnh nhân.
5.2.2. Bong gân độ III
- Phẫu thuật khâu lại các dây chằng bị đứt sau đó bất động khớp (bột), sau 4-6 tuần cho tập vận động ở mức độ không gây đau.
- Bảo tồn với bệnh nhân không yêu cầu phục hồi cao đặc biệt với bệnh nhân lớn tuổi.

II. TRẬT KHỚP
1. Đại cương
- Trật khớp là sự di lệch đột ngột hoàn toàn hoặc không hoàn toàn các mặt khớp với nhau do một tác nhân tác động gián tiếp lên khớp ở các chi bị chấn thương hoặc do động tác sai tư thế của khớp
- Nguyên nhân
+ Do chấn thương
+ Bệnh lý
+ Bẩm sinh
* Cấu tạo của khớp
- Mặt khớp: gồm các đầu xương tiếp giáp với nhau, có lớp sụn lồi hay lõm tùy theo từng khớp.
- Bao khớp là một tổ chức xơ đàn hồi, xung quanh bao khớp được các dây chằng tăng cường. Trong bao khớp chứa chất hoạt dịch giúp cho bao khớp cử động dễ dàng. Quanh khớp có nhiều mạch máu, thần kinh, cân, cơ, da bao bọc.
2. Triệu chứng
2.1. Biến dạng
- Trật khớp vai ra trước cánh tay ở tư thế dạng xoay ngoài. Có thể thấy dấu hiệu nhát rìu ở mặt ngoài vai chỗ bám tận của cơ delta ngực. Dấu hiệu gù vai hoặc cơ delta sụp xuống (do chỏm xương cánh tay trật ra ngoài ổ khớp không nâng cơ delta lên được). Chỏm xương cánh tay lồi ra trước làm mất rãnh delta ngực.
- Trật khớp khuỷu ra sau: khuỷu ở tư thế duỗi 120- 1300, cẳng tay hơi sấp trông như ngắn lại, đầu xương cánh tay gồ ra trước khuỷu, mỏm khuỷu nhô hẳn ra phía sau.
- Trật khớp háng: có các biến dạng sau:
+ Ra sau, lên trên(kiểu chậu): háng khép, xoay trong, gối gấp ít. Chi ngắn khoảng 7-8 cm trong tư thế duỗi, đùi khép bàn chân xoay vào trong không dạng chân và xoay ra ngoài được. Đường nelaton không thẳng nữa (do 3 điểm gai chậu trước trên, mấu chuyển lớn, ụ ngồi) không còn thẳng hàng.
+ Ra sau xuống dưới (kiều ngồi): háng khép, xoay trong,  gối gấp nhiều, chân gấp đùi khép vào và xoay trong. Chỏm xương đùi nằm ở dưới mông ngay trên và sau ụ ngồi, nếu lay đầu gối thấy chỏm xương chùi lay động theo. Chi ngắn 1-2 cm.
+ Ra trước lên trên (kiểu mu): háng dạng, xoay ngoài, gối gấp ít. Chân dạng rộng có khi hợp với chân ngoài một góc 900. Bàn chân xoay ra ngoài, nếu để chi hơi khép và thẳng chi ngắn 5- 7 cm.
+ Ra trước xuống dưới (kiểu bịt): háng dạng, xoay ngoài, gối gấp nhiều. Chân gấp đùi dạng và xoay ngoài, chỏm xương đùi gần gờ mu nhìn chân như dài hơn.
2.2. Ổ khớp rỗng và sờ không thấy chỏm xương
Sờ vào ổ khớp không thấy đầu xương, chỏm xương di chuyển ra chỗ khác thường thấy:
- Khớp vai: sờ thấy chỏm xương cánh tay ngay dưới mỏm cùng vai, phía sau sờ thấy hõm khớp. Lay cánh tay thấy chỏm xương cánh tay lay động dưới mỏm quạ.
- Khớp khuỷu: sờ thấy hõm khớp rỗng, đầu dưới xương cánh tay sờ thấy ở phía trước nếp khuỷu ngay trên mỏm khuỷu. Mỏm khuỷu mỏm trên lồi cầu, mỏm trên ròng rọc không còn trên một đường thẳng nữa và khi khuỷu gấp 900 thì 3 điểm này không còn tạo thành tam giác cân nữa.
- Khớp háng: tùy theo kiểu sai mà có thể thấy chỏm ở vùng mông (phía sau) hoặc ở vùng trước háng sờ thấy chỏm xương đùi.
2.3. Cử động lò xo
      Làm ngược lại với biến dạng sẽ thấy chi bật trở về vị trí biến dạng ban đầu (ép cánh tay vào thân lúc bỏ tay ra cánh tay bật ra theo.
2.4. Chụp X-Quang
Tìm dấu hiệu trật khớp hoặc có gẫy xương kèm theo.
3. Xử trí chung
3.1. Tại tuyến y tế cơ sở
- Giảm đau:
+ Chi trên: phong bế bằng novocain 0,5 – 1% tại chỗ.
+ Chi dưới: morphin hoặc dolosan
- bất động tạm thời băng nẹp ở tư thế khớp sai, không được kéo nắn.
- Chuyển bệnh nhân lên tuyến trên càng sớm càng tốt để kéo nắn và bất động.
- không được xoa bóp.
3.2. Cụ thể
    Chủ yếu là bất động khớp bị tổn thương
3.2.1. Khớp vai
- Áp cánh tay vào thân, xoay trong cánh tay và cố định bằng băng bột hoặc băng chun Desault (thời gian bất động từ 2- 3 tuần).
- Cho tập vận động khớp vai trong 2- 3 tuần tiếp theo.
- tránh vận động nặng trong vòng 1 – 2 tháng đầu.
- Khi tập vận động lại khớp vai thì cử động dạng và gập được thực hiện trước, xoay ngoài và đưa ra sau chậm rãi hơn.
3.2.2. Khớp khuỷu
- Bất động khuỷu đã nắn ở tư thế gấp 900, băng bột cánh –cẳng- bàn tay, thời gian để bột trong 2-3 tuần.
- Chỉ cho phép lao động nặng sau 3 tháng kể từ ngày bó bột.
3.2.3. Khớp háng
- khớp được bất động duỗi hoàn toàn, xoay trong 150, hơi dạng. Băng bột chậu- lưng- chân hoặc nằm im trên giường trong 2- 4 tuần.
- Cho tập vận động nhẹ nhàng, từ từ.
- Cứ 6 tháng đến 1 năm phải kiểm tra lại khớp háng bằng chụp X-Quang để phát hiện biến chứng thoái hóa khớp, tiêu chỏm./

Không có nhận xét nào: