Thứ Tư, 16 tháng 8, 2017

BÀI GIẢNG CHẤN THƯƠNG BỤNG- VẾT THƯƠNG BỤNG (Nguyên nhân, triệu chứng và xử trí) chi tiết

CHẤN THƯƠNG BỤNG – VẾT THƯƠNG BỤNG
NỘI DUNG
I. CHẤN THƯƠNG BỤNG
1. Nguyên nhân
- Chấn thương do va chạm: ngã từ trên cao đập bụng vào vật cứng ở dưới đất, đấm đá vào bụng.
- Do đè ép: thường gặp trong tai nạn giao thông, xe cán qua bụng, đổ nhà, sập hầm lò..
2. Triệu chứng
2.1. Cơ năng
      Hỏi kỹ bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân khi đến viện khám có biểu hiện nôn, đái máu, sốc, tỉnh, mê…
2.2. Thực thể
2.2.1. Sốc: nguyên nhân thường do giảm thể tích máu
- Biểu hiện da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, đầu chi lạnh, môi lạnh, mạch nhanh, huyết áp hạ, trả lời chậm chạp.
2.2.2. Hội chứng chảy máu trong
- Cơ năng: đau bụng ở vị trí tạng tổn thương
- Thực thể:
+ Bụng chướng, có cảm ứng phúc mạc.
+ Gõ đục ở 2 hố chậu
+ Thăm trực tràng túi cùng Douglass phồng và đau
+ chọc dò ổ bụng có máu không đông.
- Cận lâm sàng: hematocrit giảm, chụp X-Quang ổ bụng thấy ổ bụng mờ.
2.2.3. thủng tạng rỗng
- Cơ năng:
+ Đau bụng ngay sau khi chấn thương, đau tự nhiên, đau liên tục, đau ở trong sâu, đau tăng khi thay đổi tư thế.
+ Nôn: có khi bệnh nhân chỉ buồn nôn, có thể nôn ra máu. Nếu tổn thương dạ dày tá tràng, khi mới thủng có co cứng thành bụng, đến muộn có dấu hiệu cảm ứng phúc mạc.
+ Bí trung đại tiện
- Thực thể: bụng chướng dần, thăm trực tràng bệnh nhân đau
- Cận lâm sàng: chụp bụng không chuẩn bị có hình ảnh liềm hơi dưới cơ hoành.
3. Xử trí
3.1. Chống sốc
- Truyền dịch hoặc truyền máu
- Chống khó thở bằng thở oxy
- Hồi sức
- Bệnh nhân mất máu nặng vừa hồi sức vừa mổ/
3.2. Cụ thể
* Nếu ổ bụng có máu: lấy máu cục, dùng máy hút sạch máu, kiểm tra để phát hiện tạng tổn thương.
* Nếu vỡ lách: đây là chấn thương hay gặp nhất. Tiến hành cắt lách bán phần hoặc khâu khi có tổn thương nhẹ. Nhưng thường là mổ cắt lách để cầm máu cho bệnh nhân.
* Gan: khâu cầm máu
- Cắt phân thùy gan khi có tổn thương
- Tổn thương đường mật có thể đặt dẫn lưu Kehr hoặc mở thông túi mật.\
* Thận
- Khâu cầm máu, dẫn lưu
- Cắt thận
* Tụy
- Dập nát đuôi tụy: cắt bỏ đuôi tụy, cắt lách và dẫn lưu.
- Đầu tụy: khâu dẫn lưu.
- Tổn thương đơn giản chỉ cần khâu dẫn lưu là đủ.
3.3. Sau mổ
- Hồi sức sau mổ: bù lượng dịch và máu đã mất phòng suy thận sau mổ.
- Dùng kháng sinh chống nhiễm trùng nhất là trong trường hợp mổ viêm phúc mạc do thủng tạng rỗng.
II. VẾT THƯƠNG BỤNG
     Vết thương bụng là một cấp cứu ngoại khoa cần phát hiện và can thiệp sớm. Nếu phát hiện và gửi đi chậm bệnh nhân sẽ chết vì mất máu và viêm màng bụng.
1. Nguyên nhân
- Thời bình: do đâm chém nhau bằng dao, kiếm lê, vật sắc nhọn, trâu bò húc, ngã vào cọc..
- Thời chiến: do mảnh bom đạn, mìn, lưỡi lê,..
2. Triệu chứng lâm sàng
2.1. Nếu bệnh nhân đến sớm
2.1.1. Toàn thân có 2 hình thái:
- Sốc : vết thương làm tổn thương nặng các tạng trong ổ bụng
- Không sốc khi vết thương ở phần mềm hoặc các tạng không thủng.
2.1.2. Cơ năng
- Đau: từ nơi tổn thương sau đó lan khắp bụng
- Nôn: chưa rõ
- Bí trung đại tiện
2.1.3. Thực thể
- Nhìn: quan sát vị trí, kích thước, số lượng, tính chất của vết thương xem ruột có lòi hay không, có dịch máu chảy qua vết thương hay không?
- Sờ: có phản ứng thành bụng
- Gõ: mất vùng đục trước gan (thủng tạng rỗng), gõ đục ở hạ vị (chảy máu trong).
2.2. Nếu bệnh nhân đến muộn: triệu chứng lâm sàng rầm rộ hơn
2.2.1. hội chứng chảy máu trong
- Toàn thân : sốc
- Cơ năng: đau khắp bụng, nôn, bí trung đại tiện.
- Thực thể bụng chướng, phản ứng thành bụng, gõ đục ở vùng thấp, thăm trực tràng túi cùng douglass đau.
2.2.2. Hội chứng viêm màng bụng
- Toàn thân: sốc
- Cơ năng: đau bụng lan tỏa, nôn, bí trung đại tiện hoàn toàn.
- Thực thể:
+ Bụng chướng
+ Co cứng thành bụng
+ Gõ vùng đục trước gan mất
+ Thăm trực tràng túi cùng Douglass đau.
3. Xử trí
3.1. Chống sốc
- Ủ ấm
- Tiêm thuốc trợ lực, trợ tim
- Tiêm kháng sinh
3.2. Xử trí vết thương
- Nếu vết thương bụng ruột không lòi ra  ngoài chỉ cần sát khuẩn vết thương rồi băng lại.
- Nếu ruột lòi ra ngoài không được nhét ruột vào ổ bụng, dùng bát vô khuẩn úp lên rồi băng lại.

- Chuyển bệnh nhân lên tuyến trên khi hết sốc.

Không có nhận xét nào: