Thứ Ba, 15 tháng 8, 2017

BÀI GIẢNG HẸP MÔN VỊ ( Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị) chi tiết

HẸP MÔN VỊ
NỘI DUNG
1. Nguyên nhân
1.1. Loét dạ dày tá tràng
- Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên hẹp môn vị. Vị trí ổ loét càng gần môn vị thì càng dễ gây hẹp môn vị.
- Do ổ loét gây co thắt, phù nề hoặc co kéo, dính chít hẹp gây ra hẹp môn vị
1.2. Ung thư dạ dày
- Hay gặp nhất là ung thư ở hang vị, ở tiền môn vị, và ở góc bờ cong nhỏ dạ dày. Lúc đầu gây cản trở lưu thông về sau gây bít tắc hoàn toàn lưu thông qua môn vị.\
1.3. Một số nguyên nhân khác
- Bệnh lympho hạt
- U lành tính ở môn vị hang vị
- U lao dạ dày, giang mai dạ dày, sẹo bỏng dạ dày.
- Sỏi túi mật, ung thư túi mật, viêm tụy mạn.
2. Triệu chứng
2.1. Giai đoạn đầu
Sự lưu thông qua môn vị chưa bị tắc hoàn toàn mà chỉ bị cản trở
- Cơ năng:
+ Đau bụng: bệnh nhân có đau bụng vùng thượng vị, trên rốn, đau từng cơn, xuất hiện sớm sau bữa ăn nhưng mức độ đau còn ít.
+ Nôn: không thường xuyên có khi chỉ buồn nôn
- Thực thể: hút dịch dạ dày lúc đói, thường được trên 100ml ( bình thường có khỏang 20 -40ml).
- Cận lâm sàng:
+ Chụp X-Quang dạ dày có uống baryte: thấy có hiện tượng tăng sóng nhu động dạ dày, có hiện tượng ứ đọng nhẹ ở dạ dày, thuốc chậm lưu thông qua môn vị, sau 6h kiểm tra lại vẫn còn thấy baryte đọng ở dạ dày.
+ Nội soi dạ dày tá tràng: để xác định nguyên nhân gây hẹp do loét hay do khối u.
2.2. Giai đoạn sau
Sự lưu thông qua môn vị bị ngưng trệ hoàn toàn, các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng rất rõ.
2.2.1. Toàn thân
thể trạng bệnh nhân gầy sút nhanh do nôn nhiều, ăn uống ít.
2.2.2. Cơ năng
- Đau bụng: bệnh nhân có đau bụng vùng thượng vị, trên rốn bệnh nhân đau rất nhiều, đau từng cơn, thường xuất hiện khoảng 2-3h sau khi ăn, các cơn đau có thể liên tiếp nhau. Đau nhiều sau ăn nên bệnh nhân thường sợ ăn hoặc không dám ăn.
- nôn: kèm theo đau là bệnh nhân nôn, nôn nhiều, nôn ra nước ứ đọng của dạ dày màu xanh đen lẫn với thức ăn cũ và mới.
2.2.3. Thực thể
- Dấu hiệu lắc úc ách lúc đói: buổi sáng sớm khi bệnh nhân chưa ăn uống, nếu lắc bụng sẽ nghe rõ tiếng óc ách ở vùng thượng vị.
- Tăng sóng nhu động dạ dày: thấy rõ trong cơn đau tự nhiên hoặc sau khi kích thích bằng cách búng nhẹ trên thành bụng.
- Dấu hiệu Bouveret: nếu đặt tay lên thành bụng vùng trên rốn trong cơn đau sẽ thấy thành bụng căng lên từng đợt một.
- bụng dưới thường lép kẹp, lõm lòng thuyền.
2.2.4. hút dịch lúc đói: được nhiều dịch trên 150- 300 ml lẫn cả thức ăn cũ và mới
2.2.5. Cận lâm sàng: chiếu và chụp X-Quang ổ bụng có uống baryte thấy:
+ Hình ảnh tuyết rơi: do những ngụm baryte đầu tiên rơi từ từ qua lớp nước ứ đọng trong dịch dạ dày.
+ Hình ảnh dạ dày giãn lớn: đáy sa thấp, giảm nhu động
+ Hình ảnh sóng nhu động dạ dày mạnh và nhanh từng đợt xen kẽ với thời gian ì ra không có nhu động ruột.
+ Sau 6-12h chụp lại vẫn còn thấy baryte đọng lại ở dạ dày.
2.2.6. Nội soi
Dạ dày ứ đọng nhiều dịch màu nâu có cặn thức ăn. Dạ dày giãn, vùng hang vị phù nề.
2.3. Giai đoạn cuối
chẩn đoán hẹp môn vị ở giai đoạn này rất dễ dàng với các triệu chứng điển hình:
2.3.1. Toàn thân
Tình trạng toàn thân suy sụp rõ rệt, bệnh nhân trong tình trạng mất nước và điện giải nặng: người gầy đét, vẻ mặt hốc hác, mắt lõm sâu, da bọc xương.
2.3.2. Cơ năng
- Đau hầu như liên tục ở vùng thượng vị trên rốn, đau không thành cơn, cường độ đau ít hơn giai đoạn trước.
- Nôn: ít nôn nhưng mỗi lần nôn thì ra rất nhiều nước ứ đọng và thức ăn của những bữa trước.
2.3.3. Thực thể : dấu hiệu lắc óc ách lúc đói nghe thấy ở khắp bụng.
2.3.4. Cận lâm sàng: chiếu hoặc chụp X-Quang dạ dày có uống baryte thấy:
- Hình ảnh tuyết rơi rõ.
- Dạ dày hình đáy chậu, mất nhu động, giãn lớn.
- Hình ảnh 3 mức: dưới là baryte , giữa là nước ứ đọng và trên là túi hơi dạ dày
3. Chẩn đoán
3.1. Chẩn đoán xác định
- Trường hợp ở giai đoạn sau và giai đoạn cuối chẩn đoán thường dễ dựa vào lâm sàng và X-Quang vì các triệu chứng điển hình.
- Trường hợp nhẹ: khó chẩn đoán nếu cần có thể dựa vào x-quang hay nội soi.
3.2. Chẩn đoán phân biệt
Bệnh giãn to thực quản: nôn ọe, khó nuốt hoặc nuốt chậm. Chụp X-Quang thấy thực quản hình củ cải và không thấy túi hơi dạ dày.
4. Điều trị
4.1. Điều trị nội khoa trước mổ
- Truyền dịch bồi phụ nước và điện giải, cung cấp năng lượng cho bệnh nhân.
- Có thể phải truyền máu, truyền đạm, sinh tố nếu cần.
- Đặt sonde dạ dày để hút dịch đọng dạ dày hoặc rửa dạ dày.
- Dùng thuốc chống viêm, giãn co thắt, kháng sinh..
4.2. Điều trị phẫu thuật
- Nối vị tràng

- Cắt đoạn dạ dày: tùy trường hợp cụ thể mà có thể áp dụng phương pháp cắt dạ dày bán phần hay cắt dạ dày toàn bộ. Phẫu thuật mang tính triệt để hơn so với nối vị tràng vì ngoài mục đích giải quyết hẹp môn vị còn loại bỏ được nguyên nhân gây hẹp: khối u, ổ loét../

Không có nhận xét nào: