Thứ Ba, 15 tháng 8, 2017

BÀI GIẢNG VIÊM PHÚC MẠC ( Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị ) chi tiết

VIÊM PHÚC MẠC
NỘI DUNG
1. Đại cương
     Viêm phúc mạc là hiện tượng phản ứng viêm của phúc mạc khi bị kích thích bởi vi khuẩn, các chất hóa học hoặc các tác nhân vật lý (sức nóng, các tia..)
2. Giải phẫu, sinh lý phúc mạc và sinh lý bệnh viêm phúc mạc
- Phúc mạc là một màng thanh mạc mỏng, diện rộng khoảng 1.5 -2 m2 và gồm 2 lá: lá thành và lá tạng.
- Phúc mạc tiết dịch làm trơn các tạng trong ổ bụng đồng thời có tính thấm hút các dịch và những phân tử có đường kính và trọng lượng phân tử nhỏ vào hệ tĩnh mạch cửa.
- Phúc mạc nhiễm khuẩn thường phản ứng bằng: tăng tiết dịch có tính diệt khuẩn và kết dính các tạng lại tạo thành màng dính bọc và cách ly vùng nhiễm khuẩn.
3. Nguyên nhân
3.1. Tác nhân gây bệnh thường gặp
     Trực khuẩn E.coli, tụ cầu, liên cầu, vi khuẩn yếm khí.
3.2. Đường xâm nhập
    Vi khuẩn vào ổ bụng qua:
- Tổn thương lá thành, lá tạng của màng bụng (viêm phúc mạc thứ phát)
+ Lá thành bị thủng: dao đâm, đạn xuyên
+ Lá tạng bị thủng: chấn thương vỡ tạng rỗng, viêm túi mật hoại tử, viêm ruột thừa vỡ, thủng dạ dày, tắc ruột hoại tử, vỡ bàng quang, vỡ tử cung.
- Qua đường máu(viêm phúc mạc nguyên phát): thường gặp ở trẻ em
4. triệu chứng lâm sàng
4.1. Dấu hiệu toàn thân
- BN đến sớm biểu hiện hội chứng nhiễm trùng: sốt, mạch nhanh, môi khô se, lưỡi bẩn.
- BN đến muộn biểu hiện hội chứng nhiễm độc: nhiệt độ tăng hoặc giảm, môi khô, mắt trũng, mạch nhanh, huyết áp hạ, vã mồ hôi, khó thở, thiểu niệu hoặc vô niệu.
4.2. dấu hiệu tại ổ bụng:
4.2.1. Cơ năng:
+ đau: tùy theo từng nguyên nhân gây bệnh mà có điểm đau đầu tiên khác nhau, đau liên tục và lan tỏa.
+ nôn: nôn nhiều hay ít tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh
+ Bí trung đại tiện
+ khó thở: nhịp thở trên 20lần/ phút
4.2.2. thực thể:
+ nhìn: bụng chướng hoặc không di động theo nhịp thở, càng đến muộn thì triệu chứng này càng rõ.
+ sờ: có cảm ứng phúc mạc (đây là dấu hiệu rất quan trọng)có phản ứng thành bụng
+ gõ: có thể mất vùng đục trước gan, bụng cứng như gỗ trong các trường hợp viêm phúc mạc do thủng tạng rỗng.
 Gõ trong ở cao, gõ đục ở thấp
+ để muộn có dấu hiệu tắc ruột cơ năng
+ thăm âm đạo trực tràng: thấy túi cùng Douglas phồng và đau
4.3. cận lâm sàng
- Xét nghiệm máu:
+ số lượng bạch cầu tăng ( tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao)
+ urê máu tăng cao
- chụp X-Quang: ổ bụng mờ đều,quai ruột giãn đầy hơi, viền quai ruột dày, hai hố chậu mờ, chụp ổ bụng không chuẩn bị ở tư thế đứng thấy hình ảnh liềm hơi dưới cơ hoành ( trong trường hợp thủng dạ dày)
- chọc hút ổ bụng: ổ bụng có dịch tự do, dựa vào màu sắc, tính chất dịch chọc hút có thể nhận biết được nguyên nhân gây viêm phúc mạc.
5. Chẩn đoán
5.1. chẩn đoán xác định
- Có hội chứng nhiễm khuẩn
- Đau khắp bụng liên tục tăng dần, bụng chướng, nôn, bí trung tiện/
- Có cảm ứng phúc mạc
- Thăm trực tràng túi cùng Douglass đầy và đau
- Chọc hút hoặc siêu âm ổ bụng có dịch
- Chụp X-Quang ổ bụng
5.2. Chẩn đoán phân biệt
- Tắc ruột: đau bụng cơn, bí trung đại tiện, nôn, chụp X-Quang ổ bụng có hình ảnh mức nước mức hơi (triệu chứng tắc ruột có trước).
- Viêm tụy cấp: các triệu chứng lâm sàng như viêm phúc mạc. Xét nghiệm máu: men Amylase cao.
- Chửa ngoài tử cung vỡ: có dấu hiệu có thai, ra máu đen âm đạo, lâm sàng có biểu hiện hội chứng mất máu cấp.
6. Xử trí ở tuyến y tế cơ sở
      Viêm phúc mạc là một cấp cứu ngoại khoa, bệnh nhân phải được mổ cấp cứu càng sớm càng tốt để loại bỏ nguyên nhân, lau rửa ổ bụng, vì vậy cần phải nhanh chóng chuyển tuyến cho bệnh nhân. Cần hồi sức tích cực cho bệnh nhân trước và trong khi chuyển tránh để bệnh nhân tử vong.
6.1. Không nên
- Không nên tiêm thuốc giảm đau
- Không nên tiêm thuốc kháng sinh
- Không nên tiêm vào nơi đau
- Không nên thụt tháo cho bệnh nhân
- Không nên cho bệnh nhân ăn
6.2. Nên
- Tiêm thuốc trợ lực, trợ tim
- Truyền dịch khi sốc
- Đặt sonde dạ dày

- Chuyển đi tuyến trên sớm./

Không có nhận xét nào: