Thứ Ba, 15 tháng 8, 2017

BÀI GIẢNG THOÁT VỊ BẸN (Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và chẩn đoán, điều trị) chi tiết

THOÁT VỊ BẸN
NỘI DUNG
1. Đại cương
- Thoát vị bẹn là hiện tượng các tạng trong ổ bụng (thường hay gặp ruột, mạc nối) đi ra ngoài qua điểm yếu ở thành sau ống bẹn.
- Hiện tượng này có thể là bẩm sinh (do tồn tại ống phúc tinh mạc), có thể mắc phải (do cơ thành bụng yếu gặp ở những người béo phệ, áp lực trong ổ bụng tăng lên khi làm các công việc nặng), 90% hay gặp ở nam giới.
2. Triệu chứng
2.1. Toàn thân: không có gì đặc biệt, trừ khi thoát vị có biến chứng
2.2. cơ năng
- Bìu bên thoát vị to lên khi bệnh nhân gắng sức hay đi lại nhiều, có cảm giác nằng nặng, tưng tức, nếu nằm nghỉ khối phồng sẽ nhỏ lại hoặc mất.
- Không nôn, không bí trung đại tiện.
2.3. Thực thể
- Bảo bệnh nhân chạy, nhảy hoặc rặn mạnh sẽ thấy tạng thoát vị sa xuống.
- Nhìn: thấy một khối phồng ở phần trong phía trên nếp bẹn, đi chéo xuống dưới vào trong liền với bìu.
- Sờ nắn:
+ Nếu khối phồng mềm, căng thì tạng thoát vị là ruột.
+ nếu khối phồng nhũn và không đều thì tạng thoát vị là mạc nối.
+ Khi nắn bệnh nhân có cảm giác tức nhưng không đau. Để bệnh nhân nằm, có thể đẩy các tạng trong khối thoát vị lên ổ bụng.
+ Đặt ngón tay vào lỗ bẹn nông rồi bảo bệnh nhân rặn sẽ thấy tạng thoát vị chạm vào đầu ngón tay.
3. Biến chứng
3.1. Thoát vị bẹn nghẹt: đây là biến chứng nguy hiểm phải mổ cấp cứu. Biểu hiện bằng các triệu chứng:
+ Bệnh nhân có cảm giác đau nhiều hơn.
+ Khối thoát vị không nhỏ lại hoặc mất đi khi nằm, không đẩy vào trong ổ bụng được, ấn nhẹ vào cổ túi thoát vị bệnh nhân rất đau.
+ Nếu ruột sa xuống túi thoát vị có thể có triệu chứng tắc ruột. Để muộn sẽ gây hoại tử ruột.
3.1.1. Chẩn đoán xác định thoát vị nghẹt
- Có tiền sử thoát vị bẹn thường
- Đau đột ngột vùng bẹn bìu
- Khi nắn khối thoát vị không thể thu nhỏ được, không đẩy lên trên được.
3.1.2. Chẩn đoán phân biệt
- Tràn dịch màng tinh hoàn
- Viêm màng tinh hoàn
- U nang thừng tinh
3.2. Thoát vị không đẩy lên được
- Là do khối thoát vị nhiều, lâu ngày, dính vào thành túi thoát vị
3.3. Viêm phúc mạc trong khối thoát vị
- Do ruột thừa chui vào khối thoát vị.
4. Chẩn đoán phân biệt
- U nang thừng tinh: u to lên từ từ, dính vào thừng tinh, tồn tại liên tục, không đẩy lên theo ống bẹn được.
- Tràn dịch màng tinh hoàn: khối u căng nhẵn, khi nắn khối u không nhỏ đi được, khó sờ được tinh hoàn và mào tinh hoàn.
5. Xử trí
- Băng giữ để tạng thoát vị không sa xuống, cách này chỉ dùng cho trẻ còn nhỏ chưa có điều kiện mổ.
- Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi: theo dõi cho đến 1 tuổi, nếu không tự khỏi thì mổ, ngoại trừ khi có biến chứng.
- Trẻ trên 1 tuổi: mổ thắt cao túi thoát vị (ống phúc tinh mạc) không cần tái tạo thành bụng

- giải thích và gửi bệnh nhân lên tuyến trên để khâu cổ túi thoát vị và phục hồi thành bụng./

Không có nhận xét nào: