Thứ Ba, 17 tháng 10, 2017

ĐẠI CƯƠNG BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

1. Thế nào là bệnh Đái tháo đường
       Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa được đặc trưng bởi tình trạng tăng đường máu, hậu quả của thiếu hụt tiết insulin, bất thường trong hoạt động của insulin hoặc cả hai. Tăng đường huyết mạn tính đi kèm với tổn thương lâu dài các cơ quan như: mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu.
2. Những người nào có nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ?
- Trên 45 tuổi
- Có người thân trực hệ mắc bệnh ĐTĐ
- Có tiền sử đẻ con > 3.5 kg hoặc có tiền sử sảy thai nhiều lần hoặc trong tiền sử đã có lần được chẩn đoán ĐTĐ trong thời kỳ mang thai.
- Tăng huyết áp
- Béo phì
- Rối loạn lipid máu
- BN bị tiền ĐTĐ:
  + Rối loạn đường máu đói ( ĐM đói > 5.6 mmol/l) hoặc
  + Rối loạn dung nạp đường ( ĐM sau 2h làm nghiệm pháp nằm trong khoảng 7.8 - 11.1 mmol/l).
  + HbA1c nằm trong khoảng 5.7 - 6.4 % ( với điều kiện HbA1C được làm theo phương pháp chuẩn quốc tế).
3. Tại sao chúng ta mắc bệnh ĐTĐ?
- Đường máu tăng cao là do thiếu hụt insulin tuyệt đối hoặc tương đối. Insulin là một hormon quan trọng của cơ thể do tuyến tụy tiết ra.
- Tác dụng của insulin:
  + Insulin giúp cho đường trong máu đi vào trong tế bào và chuyển hóa thành năng lượng cho cơ thể hoạt động.
  + Tích trữ đường ở gan, cơ bắp và các mô mỡ tạo thành nguồn năng lượng dự trữ.
  + Kích thích sự tổng hợp chất đạm và chất bột từ đường.
  + Ngăn cản sự tạo đường mới ở gan.
  + Bên cạnh sự thiếu hụt insulin tuyệt đối hoặc tương đối, insulin còn giảm hoặc mất tác dụng tại các tổ chức ngoại vi (gan, cơ, mô mỡ) - tình trạng kháng insulin ( thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2).
  + Ngoài ra lối sống ít vận động, chế độ sinh hoạt thiếu khoa học, chế độ ăn không hợp lý, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia... cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ.

4. Làm thế nào để biết mình bị ĐTĐ?
- Để biết mình có bị đái tháo đường hay không, cần phải làm xét nghiệm đường máu hoặc làm nghiệm pháp dung nạp glucose khi có chỉ định của bác sỹ chuyên khoa. Theo hiệp hội ĐTĐ Mỹ (ADA), một người được chẩn đoán là ĐTĐ khi có 1 trong các tiêu chuẩn sau:
a. Đường huyết tương bất kỳ ≥ 11.1 mmol/l kèm theo các triệu chứng của tăng đường máu ( khát nhiều, tiểu nhiều, ăn nhiều, gầy sút).
b. Đường huyết tương lúc đói (nhịn ăn >8h) ≥ 7 mmol/l trong 2 buổi sáng khác nhau.
c. Đường huyết tương 2h sau khi uống 75g glucoza ≥ 11.1 mmol/l.
- Từ tháng 01/2010, ADA đưa HbA1c > 6.5% trở thành một trong những tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên, xét nghiệm này cần được tiến hành tại các phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn nên chưa được áp dụng tại  Việt Nam.
- Cũng theo khuyến cáo của ADA, phụ nữ có thai từ tuần 24 đến 28 cần được làm nghiệm pháp dung nạp glucose dành cho thai phụ để sàng lọc ĐTĐ thai kì. Những phụ nữ có nguy cơ cao như có tiền căn gia đình (ông, bà, bố, mẹ) bị ĐTĐ hoặc béo phì trước khi mang thai có thể cần được sàng lọc sớm hơn.
- Tháng 03/2010, Hiệp hội quốc tế nghiên cứu về ĐTĐ và thai nghén đã chính thức đưa ra khuyến cáo mới về chẩn đoán ĐTĐ thai kì và cũng đã được ADA công nhận năm 2011.
Chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ khi có ít nhất 1 kết quả lớn hơn hoặc bằng mức sau
Đường huyết lúc đói

5.1 mmol/l
92 mg/dl
Đường huyết sau 1h
10.0 mmol/l
180 mg/dl
Đường huyết sau 2h
8.5 mmol/l
153 mg/dl

5. Có mấy loại ĐTĐ?
- Có 2 loại ĐTĐ thường gặp, trong đó chủ yếu là ĐTĐ type 2
  + ĐTĐ type 1 ( chiếm tỷ lệ gần 10%)
  + ĐTĐ type 2 ( chiếm tỷ lệ hơn 90%)
- Ngoài ra  còn có ĐTĐ thai kỳ ( ĐTĐ được chẩn đoán trong thời kỳ mang thai) và ĐTĐ do các nguyên nhân khác (bất thường về gen, nhiễm khuẩn, do các bệnh lý của tụy ngoại tiết 
VD: xơ sỏi tụy, do các bệnh lý nội tiết khác
VD: to đầu chi..


Đặc điểm ĐTĐ type 1
Đặc điểm ĐTĐ type 2
Tuổi phát hiện bệnh
Thường gặp ở trẻ em và những người ở độ tuổi thành niên, < 30 tuổi
Thường gặp ở độ tuổi trung niên
Tốc độ phát bệnh
Xuất hiện đột ngột
Xuất hiện từ từ
Biến chứng cấp tính
Thường gặp hôn mê do nhiễm toan ceton
Thường gặp hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu
Hiệu quả của thuốc viên hạ đường huyết
Không
Insulin do cơ thể sản xuất
Giảm đáng kể hoặc hoàn toàn không có insulin
Có thể bình thường thậm chí tăng ở giai đoạn đầu nhưng cũng giảm ở giai đoạn sau của bệnh
Điều trị bằng insulin
Bắt buộc
Tùy trường hợp theo chỉ định của bác sỹ

6. Khi nào cần kiểm tra đường máu?
- Cần kiểm tra đường máu khi có các triệu chứng khát nước, uống nhiều, đi tiểu nhiều hoặc tăng cảm giác ngon miệng nhưng gầy sút cân nhanh bất thường trong thời gian ngắn. Các triệu chứng trên có thể xuất hiện rầm rộ, từ mức độ trung bình đến nặng.
- Tuy nhiên, phần lớn BN chủ yếu ĐTĐ type 2 chỉ phát hiện ra đường máu cao khi đi khám vì các biến chứng của bệnh như: đục thể thủy tinh,tê bì chân tay, suy thận, nhồi máu cơ tim.. thậm chí hôn mê tăng áp lực thẩm thấu.
7. Bệnh ĐTĐ có những biến chứng gì?
ĐTĐ gây ra rất nhiều biến chứng trên các cơ quan: mắt, thận, tim, mạch máu.. các BN cần làm xét nghiệm định kỳ như: tổng phân tích nước tiểu, điện tâm đồ, khám mắt để chẩn đoán và điều trị sớm các biến chứng.
- Biến chứng cấp tính:
  + Hôn mê nhiễm toan ceton.
  + Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu
  + Hôn mê hạ đường huyết.
- Biến chứng mạn tính:
  + Tổn thương mạch máu nhỏ:
  •      Tổn thương đáy mắt gây xuất huyết, xuất tiết, bong võng mạc dẫn đến mù lòa, đục thủy tinh thể,..
  • Tổn thương cầu thận gây hội chứng thận hư, suy thận..
  • Tổn thương thần kinh ngoại vi gây tê bì, cảm giác kiến bò, giảm hoặc mất cảm giác.
  + Tổn thương mạch máu lớn:
  •  Gây bệnh lý mạch vành, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não..
  • Bệnh lý bàn chân ĐTĐ: loét bàn chân, có thể dẫn tới cắt cụt chi.
  • Các bệnh nhiễm trùng khác: nhiễm trùng da, răng miệng, nhiễm khuẩn tiết niệu, lao phổi..
8. Làm thế nào để điều trị bệnh ĐTĐ?
    Để điều trị ĐTĐ, cần phối hợp cả 3 phương pháp: thuốc, luyện tập và chế độ ăn. Kiểm soát đường huyết tốt bằng cách tuân thủ điều trị và đi khám định kỳ sẽ giúp phòng ngừa các biến chứng của bệnh.
- Mục tiêu điều trị:
Đường huyết lúc đói
3.9 – 7.2 mmol/l
Đường huyết sau ăn 2h
< 10 mmol/l
HbA1c
< 7%
Huyết áp
< 140/80 mmHg
Xét nghiệm lipid máu
LDL < 2.6 mmol/l
HDL > 1.1 mmol/l
Triglycerid <1.7 mmol/l
*  Các biện pháp điều trị:
- Chế độ ăn: Đảm bảo chất Đạm, chất bột, đường, vitamin và chất khoáng với khối lượng tỷ lệ hợp lý. Mục tiêu là duy trì được cân nặng lý tưởng, không làm tăng đường máu sau ăn đồng thời không làm hạ đường máu xa bữa ăn. Cần tránh những thức ăn làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, tăng mỡ máu.
- Luyện tập: việc luyện tập cần bắt đầu từ từ và thực hiện đều đặn. Nên kiểm tra đường máu trước khi luyện tập để phòng ngừa hạ đường huyết. Các BN ĐTĐ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để lựa chọn phương pháp đi bộ, bơi, đi xe đạp.. và thời gian luyện tập riêng cho từng người.
- Thuốc: Các thuốc điều trị ĐTĐ gồm có các thuốc viên hạ đường huyết và insulin.
Có rất nhiều loại thuốc viên hạ đường huyết và insulin với tác dụng khác nhau. Vì vậy không được tự ý sử dụng thuốc, cần dùng theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Khi đã có biến chứng suy thận, cần phải chuyển sang tiêm insulin.

9. Làm thế nào để phòng bệnh ĐTĐ?
- Điều chỉnh lối sống, tăng cường vận động, chế độ ăn ít chất bột đường, bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu bia sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
- Nên đi khám sức khỏe thường xuyên, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ để phát hiện  bệnh sớm, điều trị kịp thời sẽ giảm thiểu được biến chứng, kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống.

10. Lời khuyên cho các bệnh nhân ĐTĐ?
- Ăn uống hợp lý và điều độ.
- Luyện tập đều đặn.
- Bỏ thuốc lá. Hạn chế uống nhiều bia rượu.
- Dùng thuốc đúng và đủ theo đơn cảu bác sĩ chuyên khoa.
- Không tự ý thay đổi thuốc hoặc liều dùng. Không dùng thuốc nam, thuốc bắc hoặc các các thuốc không rõ thành phần.
- Đi khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ chuyên khoa.


Không có nhận xét nào: