Thứ Năm, 5 tháng 10, 2017

BÀI GIẢNG BỆNH LỴ AMIP (ĐẶC ĐIỂM DỊCH TỄ, TRIỆU CHỨNG, CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ) CHI TIẾT

BỆNH LỴ AMIP
NỘI DUNG
1. Đại cương
1.1. Khái niệm
      Lỵ amip là tình trạng nhiễm khuẩn đại tràng do Entamoeba Histolytica gây ra. Tổn thương đặc trưng của bệnh là loét ở niêm mạc đại tràng. Bệnh có xu hướng kéo dài và mạn tính nếu không được điều trị tích cực.
1.2. Tác nhân gây bệnh
     Entamoeba Histolytica thuộc một trong 8 giống amip ký sinh trên người. Trong cơ thể người, Entamoeba Histolytica tồn tại dưới 3 dạng:
- Thể hoạt động ăn hồng cầu( dưỡng bào): có trong phân của bệnh nhân lỵ cấp
- Thể hoạt động  không ăn hồng cầu (minuta): có trong phân bệnh nhân ngoài giai đoạn cấp tính.
- Thể bào nang: có trong phân người lành mang trùng, chỗ ẩm thấp, trong nước (Clo trong nước máy không diệt được bào nang).
1.3. Đặc điểm dịch tễ
a. Nguồn lây
     Nguồn lây là người mang kén amip (người bệnh, vừa khỏi bệnh, người lành). Nếu người mang kén amip là công việc liên quan đến ăn uống đặc biệt trong những tập thể (nhà trẻ, trường học..) sẽ là nguồn gây bệnh rất quan trọng trong cộng đồng. Một người mang mầm bệnh mạn tính mỗi ngày có thể bài tiết hàng triệu kén amip.
b. Đường lây
- Trực tiếp: do tay bẩn từ người sang người (kén amip sống hàng giờ dưới móng tay).
- Gián tiếp: thức ăn, nước uống nhiễm phân người bệnh: ruồi, gián mang kén từ phân đến thức ăn.
c. Cơ thể cảm thụ
- Mọi lứa tuổi đều có thể bị bệnh, nhưng hay gặp nhất từ 15- 65, nam giới chiếm 80%. Trẻ dưới 5 tuổi ít mắc bệnh.
- Bệnh tản phát ít gây dịch.
2. Cơ chế bệnh sinh
- Kén amip xâm nhập vào cơ thể bằng đường tiêu hóa, tới dạ dày được dịch vị dạ dày phá vỡ vỏ, giải phóng 4 amip nhỏ, di chuyển xuống cư trú ở hồi manh tràng, rồi theo phân ra ngoài, không gây bệnh nhưng là nguy cơ lây lan cho cộng đồng.
- Khi thành ruột bị tổn thương, amip nhỏ mới tấn công vào thành ruột, sinh sản tại đó tiết ra các men gây tiêu hủy protein dẫn đến hoại tử tế bào rồi hình thành các vết loét đáy sâu tới lớp hạ niêm mạc và phủ một lớp mủ dễ gây thủng ruột.
- Nếu vết loét gây tổn thương mạch máu, amip có thể thâm nhập vào máu và đi khắp cơ thể gây tổn thương các cơ quan khác ngoài ruột như: gan, não, phổi… dưới hình thức các ổ áp xe.
3. Triệu chứng lâm sàng lỵ amip cấp
a. Thời kì ủ bệnh : trung bình 20-90 ngày, không có biểu hiện lâm sàng.
b. Thời kì khởi phát:
- Từ từ, âm thầm.
- Bệnh nhân đau bụng mơ hồ, chán ăn, mệt mỏi, chóng mặt.
c. Thời kì toàn phát:
* Hội chứng lỵ:
- Đau quặn bụng: thường đau quặn bụng từng cơn ở hố chậu phải ( tương ứng với hồi manh tràng). trường hợp bệnh kéo dài có thể đau cả 2 hố chậu (do tổn thương tới đại tràng Sigma và trực tràng).
- Mót rặn: bệnh nhân thường xuyên cảm thấy mót rặn sau mỗi cơn đau quặn, đi ngoài phải rặn nhiều và nếu kéo dài có thể dẫn tới biến chứng trĩ hoặc sa niêm mạc trực tràng, bệnh nhân mót đi ngoài nhưng khi đi lại không có phân ( hiện tượng đi ngoài giả).
- Phân lỵ:
   + Số lần 5-15 lần/ngày.
   + Số lượng: thường ít hoặc không có phân.
   + Tính chất: lúc đầu phân lát hoặc lỏng lẫn nhày và máu, những ngày sau chỉ còn nhầy trong như nhựa chuối và máu, máu và nhày ở phân bệnh nhân lỵ amip thường riêng rẽ chứ không hòa lẫn với nhau như ở lỵ trực khuẩn.
* Toàn thân: ít ảnh hưởng, bệnh nhân sốt nhẹ hoặc không sốt.
* Chú ý: Ngoài những biểu hiện tại ruột, amip còn có thể xâm nhập vào gan qua tĩnh mạch cửa gây áp xe gan, áp xe phổi, màng ngoài tim, não…
b. Cận lâm sàng
- Soi phân tươi tìm amip: có thể thấy amip thể hoạt động ăn hồng cầu trong
phân bệnh nhân ngay sau khi đi ngoài. đây là xét nghiệm dễ làm nhưng ít giá
trị vì amip chết nhanh.
- Chụp X-Quang: có thể phát hiện hình ảnh thủng ruột, hẹp lòng ruột, u amíp.
5. Tiến triển và biến chứng
- Nếu điều trị đúng liều, đủ thời gian bệnh khỏi hòan toàn.
- Nếu không được điều trị triệt để để bệnh dễ chuyển thành mạn tính hoặc gây biến chứng:
  + Thủng ruột: do sự phá hủy nặng nề niêm mạc ruột, dẫn đến viêm phúc mạc
  + Chảy máu ruột: do tổn thương mạch máu.
6. Chẩn đoán
6.1. Chẩn đoán xác định
- Dịch tễ: có tiền sử đau bụng, phân nhày máu
   + Di chuyển đến vùng amip lưu hành.
   + Tiếp xúc với bệnh nhân lỵ.
- Lâm sàng: chủ yếu dựa vào bệnh cảnh lỵ
- Xét nghiệm: soi tươi tìm amip
6.2. Chẩn đoán phân biệt : quan trọng nhất là phân biệt với lỵ trực khuẩn.
7. Điều trị
7.1. Điều trị đặc hiệu
- Emetine:
   + Tác dụng: tiêu diệt amip
   + Liều lượng: 1mg/kg/24h. Một đợt điều trị không quá 10mg/kg
   + Khoảng cách giữa hai đợt điều trị ít nhất là 45 ngày.
   + Tác dụng phụ: tổn thương cơ tim, nhược cơ, buồn nôn, ỉa chảy, hạ huyết áp.
- Dehydroemetin (mebadin): tác dụng mạnh gấp 2 lần Emetin và ít độc hơn, liều dùng 1mg/kg/24h, tiêm bắp thịt 5-7 ngày.
- Metronidazole (Flagyl, Klion):
   + Tác dụng; tiêu diệt amip, điều trị tốt các apxe gan do amip
   + Liều lượng: 1.5- 2g/ngày x 10 ngày.
   + Tác dụng phụ: buồn nôn, ù tai, phát ban/
   + Thận trọng khi dùng với phụ nữ có thai
7.2. Điều trị triệu chứng
- Thuốc giảm đau, chống co thắt: Atropin sulfat 0.25mg hoặc có thể dùng Nospa, papaverin..
   + Uống Atropin sulfat 0.25mg liều 0.2- 0.6mg x 2 lần/ngày, tối đa 3 lần/ngày.
   + Tiêm: người lớn: 0.25- 0.5 mg/24h, liều tối đa không quá 2mg/24h
              Trẻ em: dưới 6 tuổi: 0.1- 0.25 mg/24h
                            Từ 6- 15 tuổi: 0.25- 0.5 mg/24h.
- Thuốc băng niêm mạc đại tràng: Actapulgite.
   + Người lớn: 2 -3 gói/ngày (pha trong nửa ly nước, thường trước bữa ăn).
   + Trẻ em: liều lượng tùy thuộc vào trọng lượng của trẻ, trung bình trẻ dưới 10kg: 1 gói/ngày. Trẻ trên 10kg: 2 gói/ngày (nên trộn bột Actapulgite với đường trước khi pha nước, có thể đạt được một hỗn hợp đồng nhất với một mùi vị thích hợp, trẻ em dễ uống)./
- Thuốc an thần nhẹ: Rotundin 30mg, người lớn 1-2 viên/lần x 2- 3 lần/ngày. Đối với trẻ em trên 1 tuổi: 2mg/kg/ngày chia 2- 3 lần.
7.3. Biến chứng
      Trong trường hợp có áp xe gan, áp xe phổi thì phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để phối hợp điều trị thuốc diệt amip với kháng sinh, đồng thời giải quyết ổ apxe bằng chọc hút và phẫu thuật.
8. Phòng bệnh
- Kiểm tra phát hiện, điều trị giám sát, người mang bào nang, đặc biệt những người làm nghề liên quan đến chế biến thực phẩm, phục vụ ăn uống cho tập thể, người trở về từ vùng dịch.
- Nâng cao đời sống, cải thiện tình hình kinh tế xã hội, vệ sinh môi trường sống, xử lý tốt phân và rác thải, diệt ruồi, gián.
- Vệ sinh ăn uống, vệ sinh thực phẩm.

- Nâng cao ý thức vệ sinh phòng bệnh cho người dân, thay đổi các thói quen không hợp vệ sinh, chú trọng vệ sinh ăn uống.

Không có nhận xét nào: