Thứ Năm, 5 tháng 10, 2017

BÀI GIẢNG BỆNH VIÊM NÃO NHẬT BẢN B (ĐẶC ĐIỂM DỊCH TỄ, TRIỆU CHỨNG, CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ) CHI TIẾT

BỆNH VIÊM NÃO NHẬT BẢN B
NỘI DUNG
1. Đại cương
1.1. Khái niệm
     Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền qua đường máu do virus gây ra. Biểu hiện lâm sàng là hội chứng nhiễm khuẩn và rối loạn thần kinh ở nhiều mức độ khác nhau. Bệnh thường để lại di chứng trầm trọng và tỷ lệ tử vong cao.
1.2. Tác nhân gây bệnh
- Virus viêm não nhật bản thuộc loại Arbovirus nhóm B.
- Virus kém chịu đựng  ở nhiệt độ cao, ở 600C virus chết sau 10 phút nhưng ở nhiệt độ lạnh virus có thể tồn tại trong vài năm.
- Một số động vật mẫn cảm với virus viêm não Nhật Bản là khỉ, chuột bạch, chuột đồng, một số loài muỗi và nhiều loài chim.
1.3. Đặc điểm dịch tễ
a. Nguồn lây
- Viêm não Nhật Bản là bệnh có ổ dịch thiên nhiên ở khắp nơi.
- Virus chủ yếu gây bệnh cho thú vật, người chỉ lây nhiễm tình cờ.
- Ở Việt Nam đã phân lập được virus từ chim liếu điếu, chích chòe, cò, sáo..
b. Đường lây
   Lây qua trung gian truyền bệnh chủ yếu là muỗi Culex.
c. Cơ thể cảm thụ
- Tuổi hay mắc bệnh từ 2 -7 tuổi.
- Bệnh thường xảy ra vào mùa hè, thường vào các tháng 6.7.8, bệnh tản phát nhiều hơn thành dịch.
2. Triệu chứng lâm sàng
a. Thời kì ủ bệnh:
- Trung bình 7 ngày ( 5 -15 ngày) và không có biểu hiện lâm sàng gì.
b. Thời kì khởi phát: trung bình từ 1- 4 ngày với các triệu chứng :
- Sốt 38-390C, ho, khó thở, nghe phổi đôi khi có ran nổ.
- Có thể bị tiêu chảy, ói mửa (khoảng 2/3 trường hợp).
- Rối loạn tinh thần: mất ngủ, quấy khóc nhiều hoặc ngủ gà ngủ gật, thay đổi tính nết.
- Rối loạn thần kinh thực vật: cơn đỏ bừng mặt hoặc tái nhợt, vã mồ hôi.
- Hội chứng màng não: đau đầu, nôn, cổ cứng.
c. Thời kì toàn phát: trung bình từ 3-7 ngày với các triệu chứng nặng nề hơn:
- Biểu hiện nhiễm trùng kịch liệt nhất trong tuần lễ đầu, bệnh nhân sốt cao liên tục 39-400C kèm co giật, nôn mửa, tiêu chảy.
- Xuất hiện các triệu chứng thần kinh đột ngột bằng những cơn co giật liên tục kiểu động kinh, tái diễn nhiều lần trong ngày, ban đầu giật nửa người sau lan ra toàn thân. hiện tượng co cứng tăng, trương lực cơ ngày càng tăng, sau đó nhanh chóng đi vào lơ mơ li bì, mê sảng ngủ nhiều, hôn mê ngày càng sâu.
- Rối loạn thần kinh thực vật: da lúc đỏ lúc tái, tăng tiết đờm dãi, vã mồ hôi, rối loạn nhịp thở.
- Hội chứng màng não có thể có hoặc không với dấu hiệu màng não (+), dấu hiệu Kernig (+),….
d. Diễn biến
- Tối cấp: giai đoạn nhiễm trùng ngắn 1-2 ngày, bệnh nhân sốt cao vọt bất chợt, co giật, hô mê và tử vong do suy hô hấp hoặc trụy tim mạch.
- Cấp tính : diễn biến theo 3 hướng:
   + Tử vong: sốt cao liên tục 39-400C, có khi giảm nhưng nhiệt độ không bao
giờ trở về bình thường, các chức năng sinh tồn trầm trọng, tử vong trong tuần đầu.
   + Khỏi: bệnh nhân tỉnh lại và phục hồi gần như hoàn toàn lúc ra viện.
   + Có di chứng: là diễn biến thường gặp của bệnh viêm não, sau 1 thời gian điều trị sốt giảm dần từ tuần lễ thứ 2 trở đi. bệnh nhân từ từ tỉnh lại nhưng không hoàn toàn hồi phục tri giác mà vẫn còn những rối loạn tâm thần và tổn thương thần kinh khu trú kéo dài.           
- Mạn tính:
   + Rối loạn tâm thần nhân cách: rối loạn ý thức bản thân, ảo giác, hoang tưởng, rối loạn chức năng trí tuệ.
   + Di chứng thần kinh: liệt các dây thần kinh sọ gây điếc, liệt vận nhãn, giảm thị lực, mất ngôn ngữ.
   + Tiên lượng xã hội: tiên lượng xã hội của những bệnh nhân sống sót nói chung xấu, khả năng thích ứng với đời sống gia đình và xã hội có rối loạn.
3. Cận lâm sàng
- Công thức máu: số lượng bạch cầu tăng, lúc đầu tăng bạch cầu hạt trung tính, sau đó bạch cầu lympho tăng.
- Dịch não tủy:
+ Dịch não tủy thường trong, không màu, áp lực dịch não tủy trong giới hạn bình thường hoặc tăng nhẹ.
+ Protein thường tăng nhẹ (nếu bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch thì protein không tăng).
+ Bạch cầu tăng chủ yếu là bạch cầu lympho.
- Tìm kháng thể virus: Elisa thấy IgM (+), IgG (+).
4. Chẩn đoán
4.1. Chẩn đoán xác định
- Dịch tễ: tuổi hay mắc bệnh từ 2- 7 tuổi, bệnh thường xảy ra vào mùa hè.
- Lâm sàng: hội chứng nhiễm trùng, hội chứng màng não, rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn ý thức, rối loạn vận động.
- Cận lâm sàng: dịch não tủy.
4.2. Chẩn đoán phân biệt
a. Viêm màng não mủ:
- Có hội chứng nhiễm khuẩn rõ.
- Xét nghiệm: đường trong dịch não tủy giảm, số lượng bạch cầu tăng chủ yếu bạch cầu hạt trung tính.
b. Viêm màng não do lao
- Có hội chứng nhiễm độc lao
- Thường có tiền sử hoặc đang mắc lao.
- Xét nghiệm: dịch não tủy điển hình màu vàng chanh, sánh, có vài trăm tế bào/ml (thường 200- 500ml, lympho chiếm ưu thế chiếm 70- 90%. Protein tăng 2- 3g/l, đường và muối giảm.
c. Sốt rét ác tính thể não
- Sốt cao co giật, rối loạn tri giác như não viêm
- Xét nghiệm: tìm thấy ký sinh trùng sốt rét trong máu.
d. Hội chứng não cấp
- Do rối loạn chuyển hóa hoặc rối loạn điện giải.
- Bệnh nhân cũng có hôn mê nhưng không có rối loạn thần kinh khu trú.
5. Điều trị
     Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, điều trị chủ yếu là hồi sức cấp cứu, chống phù não, điều trị triệu chứng và chống bội nhiễm.
5.1. Hạ sốt
- Lau người bằng nước ấm nhất là ở bẹn, nách, trán.
- Thuốc hạ sốt: Paracetamol đặt hậu môn hoặc qua sonde dạ dày.
5.2. Chống phù não, co giật
- Manitol 20% liều 1.5- 2g/kg truyền tĩnh mạch nhanh 30- 60 phút mỗi lần, lặp lại sau 8-12h.
- Glucose 20- 30% 250ml truyền tĩnh mạch.
- Diazepam 0.2mg/kg/lần tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp.
- Phenobarbital 5- 8mg/kg/ngày tiêm bắp có thể phòng ngừa cơn co giật.
- Tránh truyền dịch nhược trương và cần giới hạn lượng dịch truyền để tránh gây thừa nước.
5.3. Chống suy hô hấp
- Hút đờm dãi
- Thở oxy
5.4. Phòng chống bội nhiễm
- Xoay trở chống loét do nằm lâu, vỗ lưng, nằm tư thế dẫn lưu đờm, hút đờm rãi để phòng viêm phổi bội nhiễm.
- Vệ sinh cơ thể, vệ sinh răng miệng.
- Dùng kháng sinh
5.5. Bồi phụ nước và điện giải, dinh dưỡng đầy đủ
- Bồi phụ nước và điện giải bằng truyền dịch
- Cho ăn qua sonde dạ dày.
6. Phòng bệnh
6.1. Phòng đặc hiệu
Tiêm vacxin phòng viêm não Nhật Bản:
- Tuổi: trẻ em trên 1 tuổi
- Liều lượng 1ml/lần x 3 mũi, tiêm dưới da
- Thời gian tiêm: mũi 1 thường dùng vào mùa đông, xuân; mũi 2 cách 7- 14 ngày; mũi 3 cách mũi 2 sau 1 năm. Cứ sau 3-4 năm tiêm nhắc lại 1 lần.
6.2. Phòng không đặc hiệu
- Vệ sinh môi trường sống
- Diệt bọ gậy, diệt muỗi.

- Phòng tránh muỗi đốt./

Không có nhận xét nào: